Hai phong cách Saudi Arabia
U23 Saudi Arabia là đội ghi nhiều bàn thắng thứ hai ở vòng chung kết U23 châu Á 2022, với 7 lần làm tung lưới các đối thủ. Chỉ có chủ nhà Uzbekistan ghi bàn nhiều hơn (8 bàn).
Ở khía cạnh ngược lại, U23 Saudi Arabia phòng ngự tốt nhất giải đấu. Họ là đội duy nhất không nhận bàn thua nào khi khép lại vòng đấu bảng.
Tuy vậy, nhiều bàn thắng không đồng nghĩa Saudi Arabia thực sự vượt trội. Có đến 5 bàn được "The Green Falcons" ghi vào lưới U23 Tajikistan - đối thủ yếu nhất giải, với 10 bàn thua và là đội duy nhất không ghi được bàn thắng nào.
Trong giai đoạn vòng bảng, Saudi Arabia được vận hành bởi hai hệ thống khác nhau 4-2-3-1 và 4-4-2.
Khi gặp đối thủ được đánh giá yếu hơn, HLV Saad Al Shehri chọn sơ đồ 4-2-3-1 thiên về tấn công hơn. Gặp U23 Nhật Bản, đội chuyển sang 4-4-2 để tìm kiếm sự cân bằng trong cách vận hành chiến thuật.
Nhiều thành viên U23 Saudi Arabia có mặt ở Uzbekistan vốn đã khoác áo đội tuyển quốc gia, trong đó vài người từng đến Việt Nam đá giai đoạn 3 vòng loại World Cup 2022. Vì thế, ông Saad Al Shehri áp dụng rập khuôn lối đá của đội tuyển cho các cầu thủ U23.
Dù vận hành theo sơ đồ nào, HLV Al Shehri cũng cần hai cầu thủ quan trọng Ayman Yahya và Haitham Asiri. Họ là then chốt cho khả năng tấn công của Saudi, đặc biệt là hai biên.
Ayman Yahya thiên về cánh phải, dù thực tế anh chơi tốt hai cánh và thậm chí vai trò "số 10". Trong khi đó, Haitham Asiri có thể đảm nhận tấn công biên, hoặc trở thành trung phong khi đội hình đá hai tiền đạo.
Khi vận hành 4-2-3-1 hoặc 4-4-2, cánh phải U23 Saudi Arabia luôn có bóng nhiều hơn rồi đến cánh trái. Bầy "chim ưng xanh" rất hiếm khi tấn công trung lộ. Điều này hứa hẹn mang đến trận tứ kết hấp dẫn, khi Vũ Tiến Long và Phan Tuấn Tài của U23 Việt Nam cũng chơi tuyệt hay ở hai cánh.
U23 Việt Nam có cơ hội bán kết
Mặc dù là một trong hai đội ghi nhiều bàn thắng nhất, U23 Saudi Arabia không có thói quen nhập cuộc tấn công mà đề cao sự an toàn.
Trong 7 bàn thắng của Saudi, chỉ có 1 bàn được ghi trước giờ nghỉ. Họ có 2 bàn đến trong thời gian bù giờ hiệp hai và đó đều là những cú sút phạt đền.
Thói quen của U23 Saudi Arabia ở U23 châu Á là kiểm soát bóng tốc độ chậm rồi chờ cơ hội tạo đột biến. Đội quân của ông Al Shehri chọn cách đá thể lực khiến cho đối phương suy yếu trong hiệp hai.
Để cách đá này hiệu quả, U23 Saudi Arabia rất cần vai trò của Saud Abdulhamid, người không vắng mặt phút nào ở vòng bảng.
Abdulhamid có thâm niên trong đội tuyển Saudi Arabia với 15 trận quốc tế. Trung vệ 22 tuổi này có nhiệm vụ điều tiết thế trận từ sau. Anh luôn là người chuyền nhiều nhất trận của U23 Saudi: 59 đường chuyền trận gặp U23 Nhật Bản; 37 đường chuyền trận thắng U23 UAE; 70 đường chuyền trận mở màn.
Chính sự nổi bật của Abdulhamid khiến ông Al Shehri đau đầu khi bước vào tứ kết U23 châu Á với U23 Việt Nam. Trung vệ đội trưởng khoác áo số 23 này bị treo giò, khiến lối chơi của đội phải thay đổi, bên cạnh việc mất thủ lĩnh chỉ huy tinh thần.
Tiền vệ phòng ngự Ibrahim Mahnashi cũng bị teo giò sau hai thẻ vàng liên tiếp. Dù vậy, vị trí của anh dễ thay thế hơn so với vai trò mà Abdulhamid nắm giữ.
Awad Al-Nashri nhiều khả năng thay Mahnashi đá cặp tiền vệ trung tâm với Hamed Al-Ghamdi. Cặp trung vệ U23 Saudi Arabia đấu U23 Việt Nam sẽ là Khalifah Al-Dawsari và Meshal Al-Sebyani - người còn đá được tiền vệ.
Nhâm Mạnh Dũng rất có thể sẽ được HLV Gong Oh Kyun tiếp tục xếp đá trung phong. Khả năng tranh chấp và kỹ thuật của anh trở thành thách thức cho cặp trung vệ không phải tối ưu bên phía U23 Saudi Arabia.
U23 Saudi Arabia được đánh giá cao hơn về mặt lý thuyết. Nhưng "những chiến binh sao vàng" với lối đá tấn công tốc độ mà ông Gong Oh Kyun triển khai đứng trước cơ hội mở toang cánh cửa bán kết U23 châu Á. Kể từ tháng Giêng 2016, U23 Việt Nam không thua các đối thủ Tây Á trong 120 phút!