Đậm nét giá trị văn hóa truyền thống
Lễ khai bút và khai mạc hội sách xuân tại đền thờ thầy giáo Chu Văn An (phường Văn An, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương)_Ảnh: TTXVN |
Văn hóa xứ Ðông là sự kết tinh những giá trị của phong tục, tập quán, lối sống tốt đẹp, lành mạnh của cộng đồng dân cư, được lưu truyền và thể hiện rõ hơn cả qua các lễ hội truyền thống. Điển hình là các lễ hội chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc cùng 566 lễ hội truyền thống khác. Hải Dương còn nổi tiếng là một trong những cái nôi của nghệ thuật hát chèo với “Chiếng chèo Ðông” của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nhiều loại hình văn nghệ dân gian, như tuồng, múa rối nước, xiếc, hát ca trù, hát trống quân, hát đối, hát ru, ca dao, tục ngữ,… cũng tồn tại, lưu truyền nhiều đời nay trên mảnh đất này. Từ vốn văn hóa truyền thống phong phú ấy đã bộc lộ những nét nhuần nhị, trữ tình, lạc quan, đầy lãng mạn trong tính cách của người xứ Ðông.
Văn hóa xứ Ðông mang đặc trưng của sự cần cù lao động, sáng tạo, được hình thành, đi lên bằng sức lao động của con người. Người Hải Dương đã tạo ra những sản vật truyền thống, như gạo nếp cái hoa vàng, vải thiều, bánh đậu xanh, bánh gai, mắm rươi, mắm cáy... Hải Dương còn là quê hương của nhiều làng nghề truyền thống danh tiếng, như chạm khắc đá Kính Chủ (Kinh Môn), chạm khắc gỗ Ðông Giao (Cẩm Giàng), kim hoàn - vàng bạc Châu Khê (Bình Giang), gốm Chu Ðậu (Nam Sách), khắc ván in Hồng Lục - Liễu Tràng (Gia Lộc)... Những sản phẩm từ các làng nghề truyền thống này thể hiện sự sáng tạo, khéo léo, tài hoa của con người xứ Ðông.
Đặc biệt, văn hóa xứ Đông còn là truyền thống hiếu học. Thời kỳ phong kiến, Hải Dương có 472 tiến sĩ, 11 trạng nguyên. Có “Làng tiến sĩ” Mộ Trạch (Bình Giang) với 39 tiến sĩ, nhiều nhất cả nước. Có huyện Nam Sách - “Bồ sách của nước Nam” cũng đứng đầu về số lượng tiến sĩ. Có Văn miếu Mao Ðiền (Cẩm Giàng), nơi minh chứng cho truyền thống hiếu học của người xứ Ðông. Có nữ tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam là Nguyễn Thị Duệ…
Có thể nói, giá trị cốt lõi của văn hóa xứ Đông - Hải Dương chứa đựng những giá trị của văn hóa Việt Nam và mang đậm nét văn hóa riêng có của tỉnh Hải Dương, đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo; sự tinh tế, tính giản dị; hiếu học, khéo léo, tài hoa, lạc quan, lãng mạn, khát vọng vươn lên, vượt khó…
Khơi dậy, phát huy sức mạnh mềm văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội
Nhờ đó, đời sống văn hóa ở tỉnh Hải Dương có sự chuyển biến sâu sắc, rõ nét, khẳng định vai trò to lớn của nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” có vị trí trọng tâm, được triển khai rộng khắp và được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia, góp phần nâng cao đời sống văn hóa và phát huy vai trò chủ động sáng tạo và thụ hưởng văn hóa của nhân dân. Phong trào xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều thành tựu tích cực, làm thay đổi diện mạo nông thôn, cùng quá trình đô thị hóa mạnh mẽ gắn với phong trào xây dựng đô thị văn minh, hiện đại góp phần thay đổi căn bản đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội từ nông thôn đến thành thị.
Thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở ngày càng hoàn thiện, nhất là hệ thống nhà văn hóa thôn, khu dân cư. Đến nay, gần 100% số thôn, khu dân cư có nhà văn hóa; nhiều mô hình phát triển văn hóa sáng tạo ở cơ sở. Công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa có hiệu quả. Hải Dương cũng là một trong những tỉnh sớm hoàn thành tổng kiểm kê, phân loại di sản văn hóa; đồng thời làm tốt công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng.
Đối với công tác giáo dục, nhất là giáo dục thế hệ trẻ, những năm qua, quy mô, mạng lưới trường, lớp học phát triển đồng bộ, từng bước được chuẩn hóa. Ngành giáo dục đã thực hiện nghiêm kế hoạch giáo dục, dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, đồng thời lồng ghép, tích hợp với giáo dục đạo đức, giáo dục hướng nghiệp và nghề phổ thông; gắn kết các chương trình giảng dạy lịch sử với tìm hiểu về lịch sử văn hóa, danh nhân ở địa phương nhằm khơi dậy lòng tự hào dân tộc, truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước. Hải Dương là một trong những tỉnh luôn đứng tốp đầu toàn quốc trong các kỳ thi cao đẳng và đại học, các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.
Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” phát triển rộng khắp. Tỷ lệ người dân tập luyện thể dục - thể thao thường xuyên đạt 31%. Thể thao thành tích cao tiếp tục được duy trì trong tốp 10 các tỉnh, thành phố, ngành tại các kỳ đại hội thể dục - thể thao toàn quốc.
Sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật, báo chí được quan tâm. Văn nghệ quần chúng phát triển nhanh chóng, với nhiều hình thức hoạt động phong phú, đa dạng; bảo tồn hiệu quả những giá trị nghệ thuật truyền thống của địa phương.
Quyết tâm hiện thực hóa khát vọng vươn lên trong giai đoạn mới
Lễ tế theo nghi thức truyền thống ở khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc_Ảnh: TTXVN |
Một là, xây dựng đời sống và môi trường văn hóa lành mạnh phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Chăm lo xây dựng con người Hải Dương có sự gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống xứ Đông với các giá trị hiện đại, sớm đưa Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030.
Hai là, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh; khai thác có hiệu quả hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, danh thắng, khu, điểm du lịch trên địa bàn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ có tính đột phá về phát triển du lịch.
Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về tri thức, đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm việc và ý chí vươn lên, từng bước đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và mục tiêu phát triển của tỉnh với tinh thần: “Người Hải Dương văn minh, hiếu học và khát vọng vươn lên”.
Để đạt được mục tiêu nói trên, Đảng bộ tỉnh đã đề ra 5 nhiệm vụ lớn:
Thứ nhất, phát triển văn hóa, thể thao và du lịch, bao gồm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa; tập trung nguồn lực phát triển du lịch; duy trì và phát triển các phong trào thể dục, thể thao; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thông tin, truyền thông; tăng cường, chủ động hội nhập quốc tế trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Thứ hai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bao gồm các nhiệm vụ cụ thể nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông; giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm; tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ ba, xây dựng “Người Hải Dương văn minh, hiếu học và khát vọng vươn lên” nhằm bồi dưỡng lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tinh thần hiếu học, cùng ý chí và khát vọng vươn lên. Nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa từ tỉnh đến cơ sở.
Thứ tư, phát huy hiệu quả quy ước, hương ước và các giá trị văn hóa truyền thống, như đẩy lùi và loại bỏ các hủ tục, tệ nạn xã hội, các hành vi tiêu cực, tư tưởng, lối sống trái với thuần phong mỹ tục, phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong thực hiện các bộ quy tắc ứng xử.
Thứ năm, tổ chức một số sự kiện quy mô lớn mang đậm dấu ấn Hải Dương, bao gồm các sự kiện văn hóa, du lịch, như tổ chức lễ hội ở các di tích quốc gia, lễ hội truyền thống dân gian được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, lễ hội ẩm thực - Carnaval đường phố, lễ hội vải thiều Hải Dương... Đăng cai tổ chức một số giải (môn) thể thao quốc gia, quốc tế, khu vực mà Hải Dương có tiềm năng, thế mạnh. Tổ chức một số sự kiện, hội thi tài năng, học sinh giỏi nhằm kích thích, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Để đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, mỗi cấp, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh Hải Dương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và bảo đảm tính khả thi cao, theo tinh thần 5 “rõ” (rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ hiệu quả và rõ trách nhiệm)./.
5 chỉ tiêu của Chương trình “Phát huy giá trị văn hóa xứ Đông và xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”: |
PHẠM XUÂN THĂNG
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân tỉnh Hải Dương