Luận điệu trên là hoàn toàn sai trái, phi lý, phản động, bởi nó không dựa trên cơ sở khoa học, căn cứ thực tiễn nào, mà chỉ là ý đồ đen tối nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội.

Đường lối của Đảng luôn xuất phát từ thực tế khách quan và thực tiễn đất nước

Đường lối của Đảng là hệ thống quan điểm chính trị về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp của cách mạng Việt Nam. Đường lối được thể hiện trong cương lĩnh, nghị quyết của Đảng. Đường lối của Đảng bao gồm đường lối đối nội và đối ngoại. Có đường lối chung, xuyên suốt cả quá trình cách mạng như: Đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Có đường lối cho từng giai đoạn như: Đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân; đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa; đường lối đổi mới... Trên từng lĩnh vực, Đảng có đường lối cụ thể, như: Đường lối chính trị, đường lối kinh tế, đường lối văn hóa, đường lối quân sự, đường lối đối ngoại...

Đường lối của Đảng chỉ có giá trị chỉ đạo thực tiễn khi phản ánh đúng quy luật vận động khách quan của hiện thực. Vì vậy, trong quá trình lãnh đạo và chỉ đạo, Đảng thường xuyên đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận để kịp thời bổ sung, phát triển đường lối phù hợp với thực tiễn. Đường lối của Đảng được xây dựng trên cơ sở lý luận khoa học của Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tiếp thu tinh hoa tri thức của nhân loại; phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ của thực tiễn Việt Nam và đặc điểm, xu thế quốc tế và thời đại. Mục tiêu của đường lối nhằm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đường lối đúng sẽ đi vào đời sống, là cơ sở thống nhất ý chí và hành động của toàn Đảng, là ngọn cờ tập hợp, đoàn kết các lực lượng xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng và có giá trị định hướng, chỉ đạo chiến lược to lớn, toàn diện đối với sự phát triển đất nước.

Bác bỏ luận điệu cho rằng “đường lối của Đảng chỉ là ý chí chủ quan của một bộ phận tinh hoa cầm quyền”
Ảnh minh họa: Tuyengiao.vn 

Nhìn nhận một cách khách quan và toàn diện, hơn 93 năm qua kể từ khi Đảng ra đời (năm 1930) cho tới nay, đường lối của Đảng cơ bản xác định đúng và trúng yêu cầu, nhiệm vụ, con đường, cách thức phát triển của đất nước, của dân tộc trong mỗi thời kỳ cách mạng; sát hợp với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và phù hợp với xu thế của thế giới và thời đại. Thực tiễn lịch sử chứng minh, dưới ánh sáng của đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn, Đảng ta đã vận động, tổ chức và lãnh đạo quần chúng nhân dân tiến hành các cao trào cách mạng rộng lớn, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, hết sức to lớn, vẻ vang: Đập tan chế độ phong kiến, đuổi phát-xít Nhật, đánh thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ... giành lại độc lập dân tộc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đường lối lãnh đạo là nội dung chính trị trọng yếu của Đảng. Chính vì vậy, xây dựng đường lối luôn là khâu trọng tâm, là một nội dung quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng. Chất lượng đường lối liên quan mật thiết đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, quyết định đến mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Đảng trên tất cả các mặt công tác. Để đường lối có chất lượng, vừa là cơ sở chính trị, vừa là cơ sở khoa học, là phương thức để Đảng lãnh đạo đất nước, lãnh đạo nhân dân, Đảng ta luôn xây dựng đường lối theo một quy trình khoa học. Đó là quá trình nghiên cứu, tìm tòi dựa trên cơ sở lý luận, tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm chứng tính đúng đắn của đường lối. Những thành tựu của cách mạng Việt Nam, của đất nước ta đã minh chứng tất cả. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”(1).

Đường lối của Đảng là kết tinh trí tuệ, ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta

Đường lối của Đảng không phải là sản phẩm riêng của bất cứ cá nhân hay một nhóm người nào mà là kết tinh trí tuệ, ý chí và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Việc xây dựng đường lối đúng đắn đòi hỏi phải phát huy dân chủ, phát huy trí tuệ, sáng kiến của tập thể cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ quan tham mưu, mà rộng ra là của toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn dân. Trong quá trình hoạch định đường lối, Đảng ta luôn phát huy dân chủ rộng rãi, trí tuệ tập thể của đội ngũ đảng viên, hệ thống tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở. Đặc biệt trong quá trình chuẩn bị các văn kiện đại hội, Cương lĩnh chính trị đều được xin ý kiến rộng rãi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức, cơ quan, đoàn thể... và được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân.

Do đó, đường lối của Đảng đã thực sự là sản phẩm kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, thể hiện rõ sự thống nhất giữa “ý Đảng, lòng dân”, hòa quyện cùng ý chí và khát vọng phát triển của dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân được kết tinh trong đường lối của Đảng sẽ là cơ sở để Đảng ta đưa ra các quyết sách đúng đắn, đưa đất nước phát triển phù hợp với xu thế chung của thế giới và thời đại.

Đường lối của Đảng phản ánh xu thế của thế giới và thời đại

Một đất nước không thể mạnh lên nếu không thuận theo xu thế của thời đại, tiến cùng thời đại. Trong đường lối của Đảng, chưa bao giờ Đảng ta đặt sự phát triển của đất nước, của dân tộc ở ngoài dòng chảy của thời đại. Ngay khi mới ra đời (ngày 3-2-1930), trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng ta đã đề ra đường lối chính trị đúng đắn, trước hết làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi đến xã hội cộng sản. Đó là mục đích lâu dài, cuối cùng của Đảng và cách mạng Việt Nam. Mặc dù lịch sử có diễn ra quanh co nhưng các nước sẽ đi lên chủ nghĩa xã hội bằng những cách thức và con đường khác nhau, đó là xu thế tất yếu của thời đại.

Hiện nay thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Đây vừa là thời cơ vừa là thách thức của các quốc gia, dân tộc, trong đó có Việt Nam. Thời cơ là tình hình hiện nay đã tạo ra những điều kiện thuận lợi, những xu thế khách quan để các dân tộc cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định hợp tác, phát triển, bảo đảm những quyền cơ bản của mỗi dân tộc và con người. Thách thức là do xu thế toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, nếu các dân tộc không có khả năng phát triển thích ứng sẽ bị tụt hậu và lệ thuộc các nước phát triển đang muốn vươn lên để xây dựng trật tự thế giới đa cực do họ chi phối; nguy cơ xung đột khu vực, đặc biệt là chủ nghĩa khủng bố đang đe dọa các dân tộc trên thế giới.

Đứng trước xu thế lớn của thế giới, mỗi quốc gia, dân tộc có sự lựa chọn phát triển khác nhau. Nếu đi ngược lại các xu thế đó, thì dù nước có sức mạnh cũng có thể bị thất bại. Xu thế chung của thế giới hiện nay là phát triển kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền, thực hành dân chủ và xây dựng quốc gia hạnh phúc. Trong quá trình xây dựng đường lối phát triển đất nước, Đảng ta đã tiếp thu những giá trị chung của thế giới vận dụng phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Đảng ta đã đưa ra đường lối phát triển nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và khẳng định: Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế đúng đắn, phù hợp với Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.

Đường lối của Đảng là định hướng phát triển đất nước, xã hội Việt Nam

Ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định: Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng và nhân dân ta; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam. Tiếp nối Cương lĩnh năm 1930 và Cương lĩnh năm 1991, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng xác định: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”. Có thể nói đây là những đường hướng lớn “vạch thời đại” vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, con người và xã hội Việt Nam.

Từ những đường hướng lớn trên đây, Đại hội XIII của Đảng cụ thể hóa tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước trong những mốc lịch sử quan trọng: Một là, đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam phấn đấu trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Hai là, đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Ba là, đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Có thể khẳng định, thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là thắng lợi của đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những thành công có được ngày hôm nay là kết quả khởi phát từ đường lối chiến lược đúng đắn của Đảng ta về sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Với những luận cứ, luận chứng khoa học trên là bằng chứng xác đáng, thuyết phục để bác bỏ hoàn toàn các luận điệu xuyên tạc “đường lối của Đảng chỉ là ý chí chủ quan của một bộ phận tinh hoa cầm quyền” của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị.


(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2021, tr.25-26.

PGS, TS PHAN TRỌNG HÀO (Hội đồng Lý luận Trung ương)